Các trường tiếng Nhật phản ứng thế nào về việc thắt chặt visa du học của Cục quản lý xuất nhập cảnh?
Các trường tiếng Nhật phản ứng thế nào về việc thắt chặt visa du học của Cục quản lý xuất nhập cảnh?Ngày 10 tháng 2 năm 2017, cục quản lý xuất nhập cảnh đã gửi văn bản cho các trường tiếng Nhật với nội dung sẽ thắt chặt việc thẩm định tư cách lưu trú của du học sinh thuộc 5 quốc gia Trung Quốc, Việt Nam, Nepan, Mianma, Srilanka đối với các trường tiếng Nhật có trên 10 du học sinh bỏ học hoặc thôi học trong năm 2015.
Vậy các trường tiếng Nhật phản ứng thế nào với văn bản này của cục quản lý xuất nhập cảnh?
Việc có quá nhiều du học sinh làm việc quá 28 giờ một tuần đó là thực tế. Có một số trường tiếng Nhật đã cho nhập học nhiều du học với mục đích kiếm tiền nhằm kiếm lợi nhuận. Chính vì lý do này, cục quản lý xuất nhập cảnh có chủ trương thắt chặt cấp visa với các trường tiếng Nhật như thế.
Tuy nhiên, một trường tiếng Nhật ở thành phố Fukuoka phản đối rằng “Trong số các du học sinh thôi học, có học sinh do bị bệnh phải về nước, hoặc có học sinh chuyển được visa đi làm. Nên có lo ngại rằng, để tránh bị Cục quản lý xuất nhập cảnh tính là thôi học, nhiều trường có hành vi níu giữ du học sinh, không cho về nước hoặc không cho chuyển visa đi làm dẫn tới ảnh hưởng tới vấn đề xâm hại nhân quyền”.
Một hiệu trưởng ở trường tiếng Nhật Tokyo cũng bức xúc: “Phải xét theo quy mô số lượng học sinh, chứ cứ tính là có trên 10 du học sinh thôi học năm 2015 mà không cần biết trường tiếng Nhật đó có tổng số lượng đông hay ít du học sinh thì thật là vô lý”. Ngoài ra, còn có các trường hợp do trước khi tới Nhật Bản đã học rất tốt tiếng Nhật, nên họ chưa cần kết thúc khóa học đã đỗ vào đại học. Nếu Cục quản lý xuất nhập cảnh tính cả các trường hợp như vậy thì không công bằng, vì dẫn đến hiện tượng các trường tiếng Nhật sẽ không muốn tiếp nhận các học sinh đã quá giỏi tiếng Nhật vào học trường mình.
Theo chủ trương mới của Cục quản lý xuất nhập cảnh thì các giấy tờ cần thiết đối với du học sinh nhập học kỳ tháng 7 năm 2017 phải nộp vào giữa tháng 3. Trong có có yêu cầu phải nộp các giấy tờ làm bằng chứng cho việc hình thành tài sản tiết kiệm gồm sổ tiết kiệm, sao kê ngân hàng, và văn bản giải trình hình thành số tiền này. Nhưng các trường tiếng Nhật cũng lên tiếng rằng “Hiện tại nhiều quốc gia không thể xuất trình các giấy tờ này, như vậy chỉ càng làm tăng thêm các loại giấy tờ giả mạo”.
Một hiệu trưởng khác ở vùng Kanto cũng chỉ ra “Nếu thắt chặt bằng biện pháp như vậy thì không giải quyết được triệt để vấn đề. Mà chỉ làm khó khăn hơn cho các ngành nghề cần nhiều lao động là du học sinh như các cửa hàng 24h làm ca đêm, các hãng vận chuyển. Nhật Bản cần có chính sách triệt để như liên kết với các cơ quan tổ chức để tài trợ học bổng và có những chính sách hỗ trợ thỏa đáng cho du học sinh”.
Phó giáo sư Tanaka Masako trường đại học Jouchi cũng cho rằng “Cục quản lý xuất nhập cảnh Nhật Bản phải giải thích rõ vì sao lại chọn 5 quốc gia kể trên? Vì rõ ràng Nepan, Mianma và Srilanka không thuộc 10 nước dẫn đầu về tỷ lệ bỏ trốn tại Nhật Bản. Điều cần thiết là phải chỉ đạo hướng dẫn cho các công ty du học ở các nước bản địa đào tạo tốt tiếng Nhật cho du học sinh trước khi tới Nhật. Việc xét visa nhập cảnh cần dựa vào xét học lực quan trọng hơn chứ không phải là năng lực tài chính. Điều này mâu thuẫn với chủ trương của Chính phủ Nhật Bản đưa ra kế hoạch tiếp nhận 300.000 du học sinh nước ngoài để sử dụng lao động trẻ giá rẻ từ các nước. Nếu Nhật Bản thực sự cần một lực lượng lao động thì cần phải cấp loại tư cách lưu trú có thể làm thêm thoải mái mà không bị hạn chế số giờ làm. Nếu như vậy, tỷ lệ bỏ trốn, tỷ lệ làm thêm vượt quá quy định có lẽ sẽ giảm nhiều.”
(Theo báo Nishinihon ngày 20 tháng 2 năm 2017. Biên dịch: Haruka)